Đối phó hạn mặn gay gắt ở ĐBSCL – Các địa phương tìm đủ cách

Trước tình hình xâm nhập mặn có nguy cơ ngày càng cao, các địa phương vùng ĐBSCL đã triển khai hàng loạt giải pháp ứng phó để giảm thiệt hại cho người dân.

Tại các tỉnh Sóc Trăng, Long An, Trà Vinh, Kiên Giang…, hạn mặn diễn ra phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm, gần bằng năm 2016 và 2020. Tương tự, đến thời điểm này, mức độ xâm nhập mặn tại tỉnh Bến Tre cao hơn so với năm 2015. Trước tình hình đó, các địa phương vùng ĐBSCL đã triển khai hàng loạt giải pháp để ứng phó với xâm nhập mặn.

Vận hành, điều tiết hợp lý các cống đầu mối, trạm bơm

Tại Long An

Ông Đỗ Hữu Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An, cho biết tỉnh đã đưa ra từng kịch bản hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn có thể xảy ra trong mùa khô năm 2023-2024 để đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất. Đồng thời quản lý chặt chẽ chất lượng, vệ sinh nguồn nước để cung cấp nước cho người dân.

“Tỉnh đã cho vận hành, điều tiết hợp lý các cống đầu mối, trạm bơm điện để đảm bảo ngăn mặn hiệu quả. Cạnh đó là điều hòa, phân bổ, cấp nước hợp lý, góp phần đáp ứng nguồn nước ngọt cho nhu cầu sinh trưởng, phát triển của cây trồng cũng như cấp nước sinh hoạt cho người dân trong suốt mùa khô” – ông Phương nói.

Tại Bến Tre

Ông Nguyễn Xuân Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, cho biết hiện trung tâm đang quản lý, vận hành 32 nhà máy nước với tổng công suất hơn 3.000 m3/giờ, phục vụ trên 98.000 hộ dân. “Trung tâm đã thực hiện giải pháp thuê sà lan luân phiên chở mỗi chuyến 700 m3 nước ngọt về nhà máy nước Tân Hào ở huyện Giồng Trôm và nhà máy nước Long Định ở huyện Bình Đại để xử lý, cấp bổ sung nước ngọt cho người dân” – ông Hòa cho hay.

Theo Trung tâm Nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bến Tre, kế hoạch thời gian tới trung tâm sẽ tiếp tục thuê sà lan chở nước ngọt từng đợt về ba nhà máy nước khác gồm Lương Phú, Phước Long (huyện Giồng Trôm) và Bình Khánh (huyện Mỏ Cày Nam). Mùa khô năm nay, trung tâm dự kiến sẽ chi khoảng 1 tỉ đồng bằng nguồn kinh phí tự lực của đơn vị để thuê sà lan chở nước ngọt về các nhà máy nước. Trong khi giá nước ngọt thuê sà lan về nhà máy xử lý, cấp đến người dân có giá thành lên đến 45.000 đồng/m3 nhưng hiện nay giá nước trung tâm thu từ người dân vẫn như quy định là 8.000 đồng/m3.

Mới đây, ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết tỉnh rất chú trọng hai nhà máy nước lớn là Sơn Đông và An Hiệp của Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre. “Tỉnh đã đắp đập Thành Triệu và đập Cái Cỏ chứa lượng nước rất lớn trong các dòng sông và canh bơm nước ngọt liên tục từ thượng nguồn sông Ba Lai bổ sung chứa vào “túi ngọt” trên các dòng sông này nhằm dẫn nước về hai nhà máy Sơn Đông và An Hiệp, đảm bảo nguồn nước cấp cho TP Bến Tre, các huyện lân cận và hai khu công nghiệp trong tỉnh không bị mặn” – ông Tam nói.

Tập trung ứng phó với cao điểm hạn

Tại Sóc Trăng

Trong chuyến kiểm tra thực tế tình hình hạn, mặn trên địa bàn tỉnh mới đây, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu bên cạnh công tác tập trung ứng phó với cao điểm hạn, mặn, ngành nông nghiệp tỉnh và các địa phương cần quan tâm đến các giải pháp lâu dài. Cụ thể, cần tuyên truyền cho bà con có ý thức sử dụng nước sinh hoạt cũng như nước sản xuất tiết kiệm. Cạnh đó, phát huy các mô hình tưới tiêu tiết kiệm nước, thực hiện thường xuyên, liên tục việc rà soát, nạo vét kênh, mương để dự trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cũng yêu cầu ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp với địa phương rà soát, lập kế hoạch kiểm tra hoạt động của các cống trên địa bàn, kịp thời sửa chữa những cống xuống cấp, đảm bảo các cống ngăn mặn, trữ ngọt trên địa bàn hoạt động có hiệu quả.

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, kiểm tra tình hình hạn, mặn trên địa bàn tỉnh. Ảnh: AH
Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, kiểm tra tình hình hạn, mặn trên địa bàn tỉnh. Ảnh: AH

Tại Kiên Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành đã yêu cầu các sở, ngành tỉnh Kiên Giang chủ động triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ đã được phân công và thực hiện các giải pháp ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh Kiên Giang chuẩn bị các điều kiện vận hành cống – âu thuyền vàm Bà Lịch, huyện Châu Thành để kiểm soát mặn khi có yêu cầu.

Đồng thời, Chi cục Thủy lợi phối hợp với các cơ quan khí tượng thủy văn Trung ương, khu vực, tỉnh Kiên Giang và các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến khí tượng thủy văn nhằm kịp thời thông báo tình hình mặn, diễn biến mực nước cho các ngành, địa phương và nhân dân biết để chủ động trong sản xuất, sinh hoạt.

Ông Lâm Minh Thành cũng yêu cầu Chi cục Thủy lợi chủ động vận hành có hiệu quả các cống trên địa bàn tỉnh và phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam vận hành các cống Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô, đảm bảo an toàn cho sản xuất. Thường xuyên kiểm tra hệ thống cống trên địa bàn tỉnh nhằm kịp thời phát hiện sớm các sự cố rò rỉ mặn để có biện pháp khắc phục kịp thời. Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đẩy nhanh tiến độ xây dựng, duy tu, sửa chữa các công trình cấp nước vùng nông thôn, hải đảo để kịp thời phục vụ người dân trên địa bàn tỉnh.

UBND các huyện, TP tuyên truyền, vận động người dân kiểm tra chất lượng nước trước khi bơm tưới, tích trữ, sử dụng nguồn nước một cách khoa học, tiết kiệm, hợp lý. Kịp thời thông báo, hướng dẫn người dân trong khu vực bị nhiễm mặn biết, chủ động sản xuất, không lấy nước từ các kênh bị nhiễm mặn để dự trữ, tưới.

Cần có biện pháp canh tác phù hợp

Ông Lê Ngọc Quyền, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, khuyến cáo thời gian tới mưa vẫn ít xảy ra sẽ dẫn tới khô hạn, thiếu hụt nguồn nước. Vì vậy, người dân vùng ĐBSCL cần có biện pháp canh tác phù hợp, phòng tránh hạn hán, xâm nhập mặn. Chăm bón, thu hoạch hợp lý, khi nắng nóng kéo dài, thời tiết ít mưa, lượng bốc hơi tăng mạnh làm cho nước tại các kênh rạch bị cạn sẽ làm gia tăng nguy cơ sụt lún đất.

Theo ông Quyền, tình hình xâm nhập mặn từ nay tới tháng 4 còn tiếp diễn, khi xuống giống vụ lúa hè thu năm 2024 cần có những giải pháp tưới, chăm bón cho phù hợp. Ranh mặn 1 g/l còn đang ở rất sâu trong nội đồng, có nơi (Tiền Giang) tới 60-70 km, cần kết hợp nhiều giải pháp, bám sát thông tin dự báo, cảnh báo, tuân thủ theo hướng dẫn, quy định chỉ đạo sản xuất của chính quyền địa phương để phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn.

Bài viết mới cập nhật: